Giày không đơn thuần là phụ kiện thời trang, mà chúng còn giúp bảo vệ đôi chân trước nguy cơ chấn thương trong những hoạt động thường ngày. Một đôi giày vừa chân sẽ đưa bạn đi cả thế giới. Ngược lại, những đôi giày không vừa vặn hoặc sử dụng không đúng mục đích có thể khiến chân bạn bị trầy da, đau nhức và thậm chí tổn thương cột sống. Hãy cùng Prudential tìm hiểu cách mua giày vừa đẹp vừa tốt cho sức khoẻ nhé!
Những nguy hiểm tiềm tàng của việc chọn sai giày mà có thể bạn chưa biết
Mang sai giày sẽ làm đau cột sống
Nhiệm vụ của giày chính là hỗ trợ điều tiết lực cơ học tác động lên bàn chân, từ đó giảm gây đau chân, đau lưng. Nhưng nếu giày bó chặt chân khiến máu lưu thông kém, các dây thần kinh bị gò lại, các cơ bị siết, khiến cho khớp gối, khớp cổ chân phải hoạt động nhiều hơn bình thường trong lúc bạn di chuyển. Việc này sẽ gây ảnh hưởng xấu lên khung xương chậu và cột sống. Do đó, nếu bạn mang một đôi giày không vừa vặn, hơi chật hay quá cao, thì có thể tổn hạn đến “trụ cột của cơ thể” đấy!
Giày cao gót: con dao hai lưỡi
Ai đó đã nói giày cao gót chính là sáng tạo tuyệt vời nhất trong tủ thời trang của nữ giới. Đúng vậy, những đôi cao gót không chỉ tạo nên dáng đi thướt tha, nữ tính, mà còn giúp phái nữ cảm thấy mình cao hơn, uy quyền hơn, tự tin hơn trong công việc và đời sống. Tuy nhiên, thời trang chưa chắc là khoẻ mạnh!
Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng giày cao gót chính là thủ phạm số 1 gây ra bệnh giãn tĩnh mạch, cong vẹo cột sống, đau xương và đau cơ. Do vậy, chị em phụ nữ đừng nên lạm dụng giày cao gót mà chỉ nên mang chúng vào những dịp đặc biệt, hay những buổi hội họp quan trọng cần chứng tỏ vẻ đẹp và sức mạnh nữ quyền.
Giày đế bằng, sandal, giày thể thao vừa chân, thoải mái chính là bạn đồng hành đáng tin cậy nhất cho những ngày bình thường, nhất là vào những ngày mà bạn phải đi lại, di chuyển nhiều.
Vậy làm thế nào để mua được đôi giày chuẩn khoẻ đẹp nhất?
Mua giày phải thử, chọn giày sao cho đúng cách để tự tin mang giày đẹp – giày thân thiện với sức khỏe đi khắp thế gian thì bạn hãy áp dụng các nguyên tắc cơ bản mà Prudential gợi ý sau đây:
Nếu kích thước hai bàn chân của bạn có chênh lệch đôi chút thì hãy chọn giày theo kích cỡ của bàn chân lớn hơn. Bạn có thể dán thêm miếng lót giày ở chiếc giày còn lại cho vừa vặn mà vẫn thoải mái.
Chân của chúng ta vào buổi tối hay sau quá trình vận động thì sẽ lớn hơn ban ngày. Do vậy, hãy đi mua và thử giày sau khi tập luyện thể thao hoặc buổi tối.
Bạn hãy mang thử giày mới đi lại vài vòng khoảng 15-20 phút trước khi quyết định mua. Nếu là giày thể thao thì hãy đi bộ, chạy, nhảy vài lần trong cửa hàng để chắc chắn về độ êm chân, thoải mái di chuyển. Đối với những loại giày được sử dụng trong trường hợp đặc biệt như đá banh hay bóng rổ thì bạn cần mang theo dụng cụ luyện tập khi đi thử giày. Hãy mang giày vào và tâng bóng vài lần, hoặc làm vài động tác nhảy chống đẩy để đảm bảo đôi giày sắp mua có thể hoàn thành tốt vai trò của nó. Tất nhiên hãy hỏi ý chủ cửa hàng trước khi thực hiện “đại hội thử giày” này nhé!
Chọn giày đúng mục đích sử dụng
Hãy “soi” đôi giày mà bạn ưng ý cho thật kỹ về cả form/dáng giày, kích cỡ, màu sắc, đế giày có chắc chắn hay trơn trợt khi di chuyển không. Và quan trọng nhất là đôi giày bạn định mua có đúng mục đích sử dụng không. Nếu bạn mua giày đi dự tiệc thì đừng chọn những kiểu dáng quá đơn giản, hoặc bạn không thể lựa một đôi cao gót 10cm để đi bộ mỗi ngày được đâu!
Nếu bạn chọn mua giày thể thao, có một nguyên tắc để lựa chọn đôi giày thích hợp với đôi chân là sử dụng ngón tay cái để xác định. Một đôi giày phù hợp sẽ có khoảng cách từ phần mũi giày tới điểm cuối của ngón chân dài nhất bằng chiều dài của ngón tay cái. Khoảng cách này là đủ để bạn có mang thêm vớ thì cũng không chật, lại còn có khoảng trống cho các ngón chân xê dịch, không bị chèn ép.